Với vị trí địa lý ở trung tâm của Đông Nam Bộ, chiếm tới 2/3 diện tích của Đại học Quốc gia TP.HCM, thành phố trẻ Dĩ An, tỉnh Bình Dương có nhiều “bí quyết” để có tốc độ phát triển nhanh đáng kinh ngạc.
“Tôi tự hào về thành phố Dĩ An khi thấy doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư tới đâu thì đường sá được mở tới đó” – đó là nhận định của TS Lê Như Thạch, một trong những khách mời tại tọa đàm 25 năm phát triển thành phố Dĩ An (1999-2024), được UBND thành phố Dĩ An tổ chức ngày 8-8.
Ông Thạch nêu ví dụ tuyến đường Thống Nhất (còn gọi là đường trục chính Đông Tây) kết nối quốc lộ 1K và xa lộ Hà Nội.
Từ một tuyến đường nhỏ hẹp, tới nay đường Thống Nhất được mở rộng lên 6 làn xe với hạ tầng đồng bộ, tổng mức đầu tư gần 730 tỉ đồng.
Hiện hầu hết tuyến đường đã xong, chỉ còn khoảng 50m nút giao với xa lộ Hà Nội đang được đầu tư để thông xe trong năm nay.
Đường Thống Nhất được đánh giá không chỉ là tuyến đường đẹp nhất của thành phố Dĩ An, của tỉnh Bình Dương mà còn là một tuyến đường kết nối vùng Đông Nam Bộ.
Tuyến đường này kết nối thẳng tới bến xe Miền Đông mới TP.HCM, mở ra “cửa ngõ” mới cho khu đô thị Đại học Quốc gia TP.HCM.
Trên trục đường Thống Nhất hiện có nhiều dự án nhà ở xã hội, trường học, đô thị… của doanh nghiệp từ TP.HCM về đầu tư.
Thành phố Dĩ An còn đang có rất nhiều dự án lớn của cả khu vực Đông Nam Bộ được xây dựng như: vành đai 3 TP.HCM với nút giao Tân Vạn được đánh giá là một trong những nút giao thông phức tạp nhất Việt Nam, mở rộng xa lộ Hà Nội, dự án “nối dài” tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên về Bình Dương và Đồng Nai…
Chia sẻ về “bí quyết” phát triển, bà Nguyễn Thị Điền – nguyên chủ tịch UBND huyện (nay là thành phố) Dĩ An – kể câu chuyện nhiều năm trước, lãnh đạo tỉnh Bình Dương đi qua Dĩ An có nói chuyện với bà khi thấy đường sá nhiều ổ gà “xe chạy như khiêu vũ”.
Thế nhưng với những nỗ lực xây dựng những khu công nghiệp đầu tiên như Bình Đường, Sóng Thần 1, 2…, nỗ lực thu hút nhân tài và hỗ trợ doanh nghiệp, sau 25 năm thì Dĩ An đã trở thành một thành phố phát triển như hiện nay.
Chia sẻ tại tọa đàm, nhiều ý kiến hiến kế để Dĩ An phát triển, cho rằng thành phố này cần quy hoạch gắn với sự phát triển của cả vùng Đông Nam Bộ.
Bà Điền nêu ví dụ như khu vực ngã ba Tân Vạn của Dĩ An được ví như một “ngã ba quốc tế” khi giáp ranh Bình Dương, TP.HCM và Đồng Nai.
Tới nay khu vực Tân Vạn đã thành “ngã tư quốc tế” khi một công trình đặt tại đây không chỉ giáp ba tỉnh mà còn gắn kết với cả 4 tỉnh của vùng kinh tế trọng điểm phía nam (bao gồm Bà Rịa – Vũng Tàu).
TS Lê Như Thạch cho rằng nếu như trước đây Dĩ An phải đi tìm kiếm nhân tài thì nay với Đại học Quốc gia TP.HCM có tới 2/3 khuôn viên đặt tại thành phố này, với hàng ngàn tiến sĩ, nhà khoa học, hàng trăm ngàn sinh viên là một nguồn lực khổng lồ.
“Dĩ An có lợi thế vị trí địa lý ở trung tâm của Đông Nam Bộ có thể tạo ra môi trường khởi nghiệp, thu hút nhiều doanh nghiệp về đặt trụ sở như quận 1 của TP.HCM”- ông Thạch gợi mở.
NGUỒN: BÁO TUỔI TRẺ