Giá căn hộ hạng B và C tăng trung bình hàng năm 12 – 14% trong 5 năm qua. Nguồn cung căn hộ hạng C, phân khúc người trẻ có thể tiếp cận để mua nhà, lại khan hiếm. Với mức lương 20 triệu đồng/tháng, người trẻ cần có sẵn ít nhất 750 triệu đồng.
Tại buổi báo cáo thị trường bất động sản TP HCM quý III diễn ra sáng 3/10, ông Phạm Lâm, Tổng giám đốc DKRA Việt Nam, cho rằng căn hộ trên, dưới 1 tỷ đồng chỉ còn là giấc mơ đối với những người trẻ.
Buổi báo cáo thị trường bất động sản TP HCM quý III
Trong 5 năm qua, giá căn hộ trung cấp (hạng B) và bình dân (hạng C) ở TP HCM chỉ tăng, không giảm. Tỷ lệ tăng trưởng trung bình hàng năm cho phân khúc hạng B là 14% và hạng C là 12%. Với mức tăng này, giá căn hộ hạng B đã lên khoảng 36 triệu đồng/m2 và hạng C là 25 triệu đồng/m2.
Mặt bằng căn hộ hạng B và C. Đơn vị: triệu đồng
Mặc dù giá tăng, thị trường TP HCM lại thiếu nguồn cung căn hộ hạng C. Theo nghiên cứu từ DKRA Việt Nam, nguồn cung hạng C chỉ còn khoảng 1% cho thị trường 9 tháng năm nay và đã giảm dần trong mấy năm qua. Thay vào đó, căn hộ hạng B dần áp đảo thị trường, tỷ lệ căn hộ hạng sang cũng cao hơn. Ông Lâm cho biết, căn hộ hạng C là phân khúc dễ tiếp cận nhất với người trẻ, nhưng thị trường ngày càng khan hiếm thì cơ hội sở hữu càng mong manh, người mua càng khó tiếp cận.
Nguồn cung cấp căn hộ theo phân khúc
Theo tính toán từ DKRA Việt Nam, cơ hội cho người có thu nhập khoảng 15 – 20 triệu đồng/tháng mua căn hộ 1,5 tỷ đồng là khá “căng thẳng”. Với giả định mỗi người có sẵn 750 triệu đồng thì sau khi trừ đi lãi vay, trả gốc… mỗi tháng số tiền còn lại chi tiêu chỉ khoảng 4 – 8 triệu đồng. Mức tiền này quá thấp cho sinh hoạt ở thành phố, chưa kể các phần phát sinh như tiền thuê nhà, khi đau ốm… Chưa kể, người trẻ làm sao để có sẵn 750 triệu đồng trước khi mua nhà cũng là bài toán cần tháo gỡ.
Tổng giám đốc DKRA Việt Nam nhận định, giá nhà gấp 4 – 6 lần thu nhập bình quân hàng năm của người trẻ. Nếu thu nhập 20 triệu đồng/tháng, mua nhà 1 tỷ đồng thì người trẻ có thể đảm bảo được cuộc sống. Tuy nhiên, mức giá này không có ở TP HCM. “Vì vậy, chúng tôi không có câu trả lời làm sao người trẻ có thể mua được nhà”, ông Lâm nói.
Ở góc độ công ty tư vấn, ông Lâm đề xuất cơ chế cần có về Chương trình tài chính nhà ở lâu dài hoặc kết hợp thành một chương trình nhà ở quốc gia chỉ dành cho người mua nhà ở lần đầu. Với các dự án nhà ở xã hội, Nhà nước cần có cải tiến về quy trình, thủ tục phù hợp, đồng thời có cơ chế chính sách khuyến khích chủ đầu tư. Về quỹ đất, Nhà nước cần xem xét vấn đề quy hoạch, phải có khu dành cho loại hình nhà ở vừa túi tiền hoặc chương trình mua nhà lần đầu. Đặc biệt, Chính phủ cần có cơ chế đánh thuế bất động sản với những người sở hữu căn hộ thứ 2, thứ 3…
Theo NĐH