Hiện nay, xu hướng sử dụng vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường đang được chú trọng nhiều hơn trước bởi nhu cầu và lợi ích mà nó đem lại.
Việc ứng dụng vật liệu xanh vào thi công thiết kế chính là một giải pháp
Thực tế cho thấy, vật liệu xây dựng truyền thống tiêu tốn nhiều tài nguyên, tạo ra chất thải độc hại, khó tái chế hơn chúng ta nghĩ. Các công trình hiện nay vẫn sử dụng những vật liệu cơ bản như xi măng, gạch nung, thép và nước, gây tiêu tốn tài nguyên. Các tập đoàn đang tìm giải pháp cho bài toán trên, vừa tạo được một công trình chất lượng nhưng không gây lãng phí. Từ đó, vật liệu xanh được ra đời.
Công trình xanh (hay công trình bền vững) đang là một khái niệm còn mới mẻ ở thị trường trong nước, nhưng trên thế giới, thì đây là một xu thế mà các quốc gia phát triển đang đi theo. Đối với Việt Nam, một quốc gia nằm trong danh sách các quốc gia chịu rủi ro nặng nề của biến đổi khí hậu trong 30 năm tới. Việc phát triển công trình xanh càng cần được chú trọng và đẩy mạnh.
Để làm được điều đó, các sản phẩm xây dựng cần hướng tới và ưu tiên sử dụng vật liệu xanh, thân thiện với môi trường. Định nghĩa về vật liệu xanh chính là vật liệu ít gây ảnh hưởng xấu đến môi trường và có thể chịu được các tác động về lí học lẫn hóa học. Theo Greenguide, các vật liệu xanh phải đảm bảo được những tiêu chí sau: Không độc hại, có hàm lượng tái chế, tiết kiệm tài nguyên, vòng đời sử dụng lâu dài, quan tâm đến môi trường.
Tại thị trường Việt Nam, những nguyên vật liệu xanh có thể áp dụng được vào thực tiễn rất nhiều. Chỉ là do chưa được khai thác đúng và hợp lý dẫn đến việc không thể tối ưu hóa được công năng. Đơn cử như các vật liệu làm từ đất, hỗn hợp đất sét trộn với lõi ngô và vôi, đất nện từng được sử dụng cho mục đích xây dựng từ khi ra đời cho tới nay. Nhằm gia tăng khả năng chịu lực và độ bền cho vật liệu, người ta có thể bổ sung thêm cỏ, rơm rạ hay các loại sợi cắt nhỏ khác. Các công trình được làm từ các vật liệu này có khả năng cách nhiệt rất cao nhưng chi phi lại rất đắt và vẫn chịu sự cạnh tranh đến từ các thương hiệu có tiếng trên thị trường.
Bên cạnh đó, tre là vật liệu truyền thống được sử dụng trong các công trình xây dựng ở nhiều địa phương từ hàng nghìn năm qua. Ngày nay, cùng với xu thế phát triển công trình xanh, tre thực sự là vật liệu xây dựng đầy hứa hẹn cho các công trình hiện đại trên thế giới. Loại vật liệu này có ưu điểm về độ bền, trọng lượng và khả năng tái tạo nhanh chóng. Tre có thể được dùng làm khung cho các công trình, thay thế vai trò của bê tông cốt thép, nhất là tại các vùng có nguồn tre dồi dào, giao thông khó khăn, cần tái thiết sau thảm họa thiên nhiên.
Tre là một loại vật liệu thân thiện với môi trường
Hiện nay, trên thị trường Việt Nam, có rất ít những công trình xanh đạt chuẩn. Theo tiêu chuẩn LEED của Mỹ, công trình xanh phải đáp ứng tiêu chí sử dụng hiệu quả nước và năng lượng, thải ít khí CO2, tận dụng tốt tài nguyên ở địa phương, giảm thiểu năng lượng trong vận hành sản xuất và vận chuyển.Tuy nhiên, con số này tại Việt Nam chỉ có khoảng trên dưới 100 công trình, cho thấy vẫn còn rất ít chủ đầu tư xây dựng dự án, nhà xưởng sử dụng loại vật liệu đáp ứng tiêu chuẩn này.
Chúng ta có thể nhận thấy được tiềm năng trong từng loại vật liệu xây dựng xanh. Đó có thể là một cuộc cách mạng, khi các nhà đầu từ dần nhận thức được những lợi ích mà các vật liệu trên đem đến, hay việc khai thác những nguồn lực sẵn có của tự nhiên sẽ gây ảnh hưởng đến môi trường sống. Có như thế, những công trình xanh sẽ xuất hiện nhiều hơn, hơi thở của tự nhiên sẽ ngập tràn trong không gian sống của mỗi nhà.