Giấc mơ mua nhà của người dân, đặc biệt người trẻ ở đô thị ngày càng xa vời khi giá BĐS ngày càng tăng. Ngay cả những người nhập cư có thu nhập thấp đến đi thuê nhà với mức giá hợp lý cũng trở nên khó khăn.
Thu nhập 25-30 triệu đồng/tháng vẫn khó mua nhà
Sau một số cơn sốt đất đi qua, thị trường BĐS hiện nay có chậm lại nhưng rõ ràng, giá nhìn chung không giảm. Và sau những đợt tăng giá chóng mặt thì cả đất nền, nhà phố đến chung cư đã tăng chóng mặt trong vòng 3 năm qua.
Như vậy, trong bối cảnh giá nhà đất liên tục tăng trong khi tốc độ thu nhập thì tăng không bằng giá BĐS đã khiến khả năng sở hữu chốn an cư của người mua thực ngày càng khó khăn. Nếu chỉ trông chờ vào tiền tích lũy từ thu nhập để mua nhà thì giấc mơ an cư lại càng không dễ dàng.
Nếu cách đây 3 năm, thu nhập của hai vợ chồng ở ngưỡng 25-30 triệu đồng/tháng thì hoàn toàn sở hữu căn nhà có mức giá từ 800 triệu đến 1 tỉ đồng/căn. Nhưng hiện tại, với thu nhập trên thì rất khó để mua được căn nhà có giá 2 tỉ đồng/căn (cạn nguồn cung giá trên dưới 1 tỉ đồng). Nếu vay thêm ngân hàng thì gánh nặng trả lãi sẽ “đè nặng” khi phải tiết giảm cực độ chi phí sinh hoạt hàng tháng.
Tốc độ kiếm tiền là quá chậm nếu so với tốc độ tăng giá bất động sản
Ghi nhận cho thấy, đa số những người chưa có nhà, số tiền tích lũy từ thu nhập và bố mẹ cho thêm thường rơi vào ngưỡng 500-600 triệu đồng. Nếu tính việc đi mua đất để xây nhà thì riêng tiền mua đất (chưa tính tiền xây nhà) đã rơi ở mức gấp ít nhất 3 lần số tiền đã có.
Còn nếu mua căn hộ thì phải vay thêm khoảng 1.2 – 1.3 tỉ đồng thì mới có cơ hội sở hữu căn hộ được gọi là giá vừa tầm trên thị trường hiện nay. Nếu vay với số tiền này thì áp lực trả gốc lãi ngân hàng hàng tháng đối với những người thu nhập cố định trên dưới 30 triệu đồng/tháng là khá lớn. Còn ở phân khúc nhà phố xây sẵn thì có lẽ càng xa vời đối với thu nhập trung bình khá của người dân nhập cư.
Theo khảo sát của DKRA, giá BĐS những năm qua liên tục tăng và chưa có dấu hiệu dừng lại. Chẳng hạn, căn hộ hạng C và hạng B từ mốc 16 -21 triệu đồng/m2 hiện đã tăng tương ứng 25-36 triệu đồng/m2. Giá BĐS tăng chóng mặt, có nơi tăng giá khoảng 200% đã khiến cơ hội sở hữu nhà ngày càng khó khăn với người trẻ có mức thu nhập từ 15-30 triệu đồng/tháng.
“Giá nhà tăng cao, vượt xa mức tăng thu nhập bình quân đầu người và liên tục lập chuẩn mặt bằng giá mới cho mỗi phân khúc. Điều này dẫn đến việc sở hữu nhà ở cho những người có thu nhập trung bình, đặc biệt là người trẻ, ngày càng trở nên khó khăn hơn”, ông Lâm, Chủ tịch DKRA Vietnam từng nhấn mạnh.
Nhà vừa túi tiền ngày càng “biến mất” trên thị trường
Đi song hành với việc giá nhà đất tăng giá, cơ hội mua nhà ngày càng xa vời thì thị trường hiện nay lại đang chứng kiến câu chuyện: không có sản phẩm vừa túi tiền để bán cho những người mua vốn đã có thu nhập khiêm tốn.
Theo tính toán của Bộ Xây dựng, đến năm 2020, các khu vực đô thị cả nước có hơn 1,7 triệu người khó khăn về nhà ở và 1,7 triệu công nhân có nhu cầu ổn định chỗ ở. Để đáp ứng nhu cầu này, cần phải xây dựng khoảng 700.000 căn hộ nhà ở giá rẻ.
Tuy nhiên, về tổng thể, nguồn cung thị trường nhà ở từ đầu năm 2019 đến nay đã bị sụt giảm mạnh, đặc biệt ở phân khúc giá vừa túi tiền.
Những gia đình trẻ có thu nhập trên dưới 30 triệu đồng/tháng ngày càng xa vời ước mơ an cư
Theo số liệu từ HoRea, trong 6 tháng đầu năm 2019, chỉ có 3 dự án nhà ở thương mại (mới) được Sở Xây dựng đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố công nhận chủ đầu tư với quy mô diện tích chỉ có 2ha233 và 924 căn hộ, giảm 16 dự án (giảm 84,2%) so với cùng kỳ năm 2018. Đồng thời cũng chỉ có 24 dự án đủ điều kiện bán nhà hình thành trong tương lai, với tổng số 7.313 căn, giảm 10 dự án (giảm 29,4%), giảm 2.336 căn (giảm 24,2%) so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, căn hộ bình dân giảm 34,7%. Điều đáng quan tâm là quý 2/2019, không có dự án nhà ở bình dân, vừa túi tiền được đưa ra thị trường.
Đây không chỉ là câu chuyện nhức nhối đối với các doanh nghiệp BĐS mà bản thân những người có nhu cầu nhà ở lại tiếp tục chấp nhận một thực trạng là: ít sự lựa chọn. Mà khi ít sự lựa chọn thì giá BĐS chắc chắn sẽ tăng. Nếu mua nhà bằng lương thì càng trở nên khốn đốn hơn đối với họ.
Thậm chí, theo ghi nhận, những người nhập cư, có thu nhập trung bình thấp ở các đô thị lớn đến việc đi thuê nhà với mức giá hợp lý cũng trở nên khó khăn trong bối cảnh giá nhà tăng, giá cho thuê cũng tăng theo.
Tại sự kiện trước đó, đại diện DKRA Vietnam đã có những kiến nghị một số giải pháp để người có thu nhập trung bình có thể sở hữu được nhà với thu nhập khiêm tốn. Trong đó, bản thân người mua phải nắm rõ được tình hình tài chính của bản thân, lựa chọn sản phẩm/dự án phù hợp với nhu cầu thực tế, năng lực tài chính, chủ đầu tư uy tín, chính sách thanh toán linh hoạt.
Về phía Nhà nước, cần có những chính sách nhà ở mang tính quốc gia và chương trình hỗ trợ tài chính lâu dài dành cho đối tượng người mua nhà lần đầu. Cải tiến quy trình, thủ tục giấy tờ để thuận tiện hơn người dân có nhu cầu, đồng thời có những cơ chế phù hợp và thuận lợi cho chủ đầu tư khi tham gia phát triển loại hình BĐS vừa túi tiền. Xem xét vấn đề quy hoạch và quỹ đất, phối hợp với các doanh nghiệp chủ đầu tư trong những dự án lớn, đô thị lớn phải có tỷ lệ nhất định dành cho nhà ở vừa túi tiền, nhà ở lần đầu.
Theo Nhịp sống kinh tế