Sau khi thị trường BĐS Đà Nẵng khởi phát, rồi Nha Trang, Phú Quốc, các nhà phát triển BĐS trong nước mau chóng nhận diện, tiền đề cho thị trường tại những địa phương ven biển này cất cánh. Với hầu hết thị trường, trong đó hệ thống hạ tầng giao thông quy mô lớn đóng vai trò hết sức quan trọng cho thị trường địa ốc phát triển mạnh.
Theo các chuyên gia, điểm chung của những thị trường bất động sản “nóng” như Đà Nẵng, Nha Trang, Vân Đồn hay Phú Quốc là hệ thống hạ tầng giao thông luôn đi trước một bước. Những khu vực này được chính quyền địa phương nghiên cứu đầu tư mạng lưới giao thông kết nối khá tốt, khai thác lợi thế từ cảng biển, sân bay quốc tế, đường bộ quốc gia.
Tiếp nối thành công từ những thị trường đi trước đó, các tỉnh ven biển phía Nam Trung Bộ hiện nay đang dành mọi nguồn lực sẵn có, cộng với việc xây dựng hàng loạt chính sách thu hút đầu tư thông thoáng để tìm kiếm các nhà đầu tư rót vốn phát triển mạng lưới cao tốc mới, tạo thế cạnh tranh vững mạnh cho thị trường bất động sản trong thời gian tới.
Các dự án hạ tầng giao thông quan trọng như đường cao tốc Bắc – Nam, cảng hàng không, đường cao tốc liên vùng như trong trường hợp dự án cao tốc Biên Hoà – Vũng Tàu; cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết; cao tốc Phan Thiết – Liên Khương; tuyến đường ven biển kéo dài từ Bình Thuận đến Đà Nẵng… đang tạo nhiệt cho thị trường BĐS nghỉ dưỡng ở Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu, Ninh Thuận trong 3 năm trở lại đây.
Với Bà Rịa – Vũng Tàu, sau khi dự án cải tạo QL51 hoàn thành trong năm 2014, một dự án cao tốc khác nối TP Biên Hoà – Vũng Tàu đang được nghiên cứu triển khai. Bên cạnh đó, địa phương này còn được hưởng lợi khi sân bay quốc tế Long Thành đưa vào sử dụng, thời gian từ TP Bà Rịa đến cảng hàng không này chưa đến 1 giờ đồng hồ và tiếp cận các vùng xung quanh thuận tiện hơn bao giờ hết.
Trong khi đó, năm 2015, cao tốc THCM – Long Thành – Dầu Giây (dài 55,7km) thông xe rút ngắn thời gian di chuyển từ TP.HCM đến Phan Thiết (Bình Thuận) chỉ còn 4 giờ, từ đó kích thích lượng du khách đến Bình Thuận tăng vọt, gần như gấp đôi sau mỗi năm.
Năm 2019, Bình Thuận nhanh chóng vượt mặt các thị trường kỳ cựu để trở thành điểm đến sôi động nhất của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng còn nhờ vào thông tin cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết, sân bay Phan Thiết sắp khởi công.
Hiện nay, toàn bộ thủ tục pháp lý và chuẩn bị cho cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết đều đã được hoàn thành. Tại buổi làm việc với Bộ GTVT vào cuối tháng 11 vừa qua, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai và Bình Thuận cho biết từ tháng 1/2020 sẽ áp giá bồi thường đồng loạt, đồng thời hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng và bàn giao đất sẵn sàng khởi công.
Theo thông tin từ nhà thầu dự án, vốn giải phóng mặt bằng là 800 tỷ đồng. Sau khi hoàn thiện giải phóng mặt bằng, dự kiến sớm nhất có thể vào Quý 1/2020 sẽ tiến hành thi công. Thời gian thi công trong 36 tháng, đến cuối 2023 sẽ hoàn thiện và đi vào sử dụng. Dự án có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 14.356 tỷ đồng, dài khoảng 99km, quy hoạch 6 làn xe, vận tốc thiết kế 120km/h.
Riêng tỉnh Bình Thuận trong năm 2019 cũng đã được HĐND tỉnh thông qua nhiều kế hoạch phát triển hạ tầng giao thông, kích thích phát triển trở thành trung tâm du lịch quốc gia trong giai đoạn tới. Theo đó, Bình Thuận đang chuẩn bị đầu tư tuyến đường nối bắt đầu từ điểm đầu cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây (phía Đồng Nai) kéo dài đến Hòn Lan (Hàm Thuận Nam).
Tiếp đó, HĐND tỉnh Bình Thuận khóa X vừa có Nghị quyết gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các Bộ KH&ĐT, Tài chính, Giao thông Vận tải (GTVT) về chủ trương đầu tư dự án Nâng cấp, mở rộng đường ĐT.719 đoạn Kê Gà – Tân Thiện (35,2km), và làm mới trục đường ven biển ĐT.719B đoạn Phan Thiết – Kê Gà (25km).
Được biết, mới đây Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai vừa dẫn đầu đoàn công tác của tỉnh đi kiểm tra tình hình chuẩn bị đầu tư tuyến đường nối với cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây xuống đường ĐT.719B ven biển.
Theo ông Nguyễn Tấn Lê, Phó Giám đốc Sở GTVT Bình Thuận, đường cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây sau khi dẫn xuống QL1 sẽ nối với đường Hàm Kiệm-Tiến Thành dẫn xuống ven biển. Con đường này dài khoảng 10,2 km, rộng nền đường 37 m đến điểm kết nối với đường ĐT.719B tại Tiến Thành (Phan Thiết) thì chấm dứt. Riêng đường ĐT719B dài hơn 25 km chạy song hành với đường ĐT719 hiện hữu ven biển.
Hai con đường này sẽ giao nhau ở khu vực Hòn Lan (Tân Thành, Hàm Thuận Nam) gần mũi Kê Gà. Lúc này hai con đường sẽ tiếp tục song hành và đường mới ĐT.719B sẽ chạy vòng xuống ven biển rồi cả hai con đường cùng nối với thị xã La Gi và QL55 đi Vũng Tàu.
Tổng vốn đầu tư của đường Hàm Kiệm-Tiến Thành là hơn 460 tỉ đồng. Riêng làm mới đường ĐT.719B gần 1.000 tỉ đồng và nâng cấp, mở rộng 32 km đường ĐT719 hiện hữu khoảng 600 tỉ đồng. Cả ba tuyến đường trên đều có điểm đầu là QL1 cùng với các tuyến đường mới sẽ là đòn bẩy đưa vùng đất Kê Gà trở thành điểm đến trong tương lai gần.
Đón đầu xu thế, hàng loạt dự án du lịch nghỉ dưỡng đang được khởi động rầm rộ tại Bình Thuận, chỉ trong vòng hơn một năm, liên tục lập mặt bằng giá mới. Theo ông Nguyễn Đức Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, khu vực Hàm Thuận Nam có lợi thế riêng và độc đáo thu hút đầu tư du lịch các nơi khác không có được.
“Hàm Thuận Nam có rất nhiều tiềm năng phát triển BĐS du lịch nghỉ dưỡng nhờ quỹ đất còn nhiều, giá đất còn mềm, quy hoạch bài bản, đồng bộ. Đặc biệt, động lực quan trọng tạo thuận lợi và hấp dẫn nhà đầu tư là tỉnh đang triển khai đầu tư mới đường trục ven biển. Mục tiêu là kích cầu lượng khách trong nước và quốc tế, gia tăng chi tiêu, thích thú lưu trú lâu hơn và quay trở lại nhiều lần”, ông Hòa chia sẻ.
Các nhà phát triển BĐS đang chứng tỏ với người mua tiềm năng về khả năng tiếp nối các điểm nút giao thông đường bộ, hàng không, đường biển, đường sắt của dự án tới các thành phố lớn trong nước và quốc tế. Lướt qua nhiều trang thông tin giới thiệu dự án đầu tư mới, hay lời chào mời của các nhân viên môi giới nhà đất, các dự án tuy khác biệt về quy mô, mức giá, song vẫn có điểm chung nhấn mạnh về khả năng kết nối các thành phố lớn trong nước qua những tuyến cao tốc đang được đầu tư.
Theo Nhịp sống kinh tế