Giải bài toán nhà ở cho TP.HCM

Trang chủ

Tin tức

Giải bài toán nhà ở cho TP.HCM

Giải bài toán nhà ở cho TP.HCM

Với dự báo dân số sẽ tăng thêm khoảng 1 triệu người trong 5 năm, TP.HCM cần đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư, huy động nguồn lực các thành phần kinh tế, nhất là khu vực tư nhân để giải quyết bài toán nhà ở.

Áp lực tăng dân số

    Theo kết quả điều tra dân số tại thời điểm ngày 1/4/2019, TP.HCM có 8,99 triệu người thường trú, kể cả người có đăng ký tạm trú trên 6 tháng. So với năm 2009 là 7,16 triệu người thì dân số Thành phố đã tăng khoảng 1,83 triệu người, trung bình tăng 183.000 người/năm trong 10 năm gần đây (kết quả điều tra dân số không bao gồm người tạm trú ngắn hạn và vãng lai).

    Tuy nhiên, theo nhận định của các nhà nghiên cứu, số dân thực sự lưu trú lâu dài, làm ăn tại TP.HCM hiện nay hơn 10 triệu người. Hiện dân số TP.HCM cứ 5 năm tăng thêm 1 triệu người. Trước xu hướng trên, nếu TP.HCM không đề ra các mô hình phát triển nhà ở đáp ứng tình trạng gia tăng dân số thì chỉ vài năm tới, nhu cầu nhà ở sẽ hết sức nan giải.

    Ngoài ra, theo khảo sát của Sở Xây dựng, TP.HCM hiện có khoảng 476.158 hộ chưa có nhà ở hoặc đang sống chung với cha mẹ, người thân (chiếm tỷ lệ 23,46% tổng số hộ). Trong đó, có khoảng 20.000 hộ gia đình cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước chưa có nhà ở; 143.000 hộ có nhu cầu mua nhà ở xã hội; khoảng 21.000 hộ sống trên và ven kênh rạch… Trên thực tế, nguồn cung nhà ở, đặc biệt là căn hộ thương mại giá rẻ, nhà ở xã hội hiện khan hiếm.

    Thống kê từ Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho thấy, năm 2019 là năm TP.HCM có tổng nguồn cung nhà ở giảm mạnh nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2019, chỉ có ba dự án nhà ở (mới) được Sở Xây dựng đề xuất công nhận chủ đầu tư với quy mô 924 căn hộ, giảm 16 dự án (giảm 84,2%) so với cùng kỳ năm 2018. Trong 6 tháng, chỉ có 24 dự án đủ điều kiện bán nhà hình thành trong tương lai, giảm 10 dự án (tức 29,4%), so với cùng kỳ năm 2018. Đáng quan tâm là không có dự án nhà ở bình dân, vừa túi tiền được đưa ra thị trường để đáp ứng nhu cầu nhà ở thực sự của hàng triệu người dân thành phố.

Phát triển khu đô thị vệ tinh

    Để giải bài toán nhà ở khi dân số tăng nhanh như nói trên, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch HoREA đề xuất TP.HCM cần nhanh chóng phát triển mô hình các dự án khu dân cư quy mô lớn (mỗi dự án có diện tích khoảng trên dưới 50ha) tại các quận ven và huyện ngoại thành, tạo điều kiện để các tầng lớp dân cư sống cùng nhau, có đầy đủ tiện ích, dịch vụ và tạo được một số công ăn, việc làm tại chỗ. Đồng thời, hình thành các khu nhà ở thương mại có giá vừa túi tiền, nhà ở xã hội dành cho người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị.

    “Bên cạnh đó, có thể tập trung vào các mô hình như: chỉnh trang, tái phát triển các khu vực đô thị cũ; phát triển các dự án, khu nhà ở quy mô vừa và nhỏ; nhà ở xã hội để đảm bảo an sinh xã hội; cho thuê nhà của hộ gia đình, cá nhân…”, ông Lê Hoàng Châu nêu ý kiến.

    HoREA kiến nghị cần đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư, huy động nguồn lực của các thành phần kinh tế, nhất là khu vực tư nhân là phương thức hiệu quả nhất để phát triển nhà ở, giải quyết bài toán nhà ở đáp ứng tình trạng gia tăng dân số. Cùng với đó, tái phát triển đô thị các khu vực đô thị cũ, xây dựng lại các chung cư cũ, di dời tái định cư nhà trên và ven kênh rạch.

Duy Khánh

Trả lời