Forbes: Thị trường bất động sản Việt Nam tiếp tục tăng trưởng ở mức kỷ lục

Trang chủ

Tin tức

Forbes: Thị trường bất động sản Việt Nam tiếp tục tăng trưởng ở mức kỷ lục

Forbes: Thị trường bất động sản Việt Nam tiếp tục tăng trưởng ở mức kỷ lục

 Giá thuê văn phòng vẫn tăng trong năm 2020, còn tăng trưởng GDP đạt mức khả quan trong đại dịch. Điều này sẽ là không tưởng, trừ khi bạn sống ở Việt Nam. Danh sách những thành tích mà quốc gia này đạt được trong năm qua rất đáng chú ý, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế khó khăn trên toàn cầu.

Việt Nam đã đạt được thành công đáng kinh ngạc trong việc kiểm soát Covid-19, khi chỉ ghi nhận 2.631 ca mắc và 35 trường hợp tử vong trên 96 triệu dân, tính tại thời điểm bài báo này được xuất bản. Trong năm 2020, Việt Nam đã vượt qua tất cả các nước châu Á về tăng trưởng kinh tế khi đạt mức 2,9%, một thành tích đáng chú ý khi Thái Lan và Malaysia chỉ ghi nhận mức tăng 6,1% và 5,6%.

Nhờ đó, ngành bất động sản Việt Nam vốn đang phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây tiếp tục ghi nhận mức giá tăng vọt khi tăng trưởng kinh tế liên tục. Thị trường sẽ có khả năng phục hồi tốt, dẫn đầu bởi lĩnh vực bất động sản công nghiệp và nhà ở.

Khi vi-rút nhanh chóng lan ra khỏi Trung Quốc vào đầu năm 2020, các hành động nhanh chóng của Việt Nam nhằm đóng cửa biên giới, trường học và doanh nghiệp đã cứu quốc gia này khỏi một đợt bùng phát nghiêm trọng. Ngay từ tháng 5 năm 2020, các hạn chế về kiểm dịch đã được dỡ bỏ và người dân có thể tiếp tục cuộc sống hàng ngày. Tại thời điểm đó, Việt Nam về cơ bản đã vận hành một nền kinh tế tự cung tự cấp trong bối cảnh các quốc gia khác vẫn phong tỏa. Khi các nhà máy mở cửa trở lại và các dự án xây dựng tiếp tục, thị trường bất động sản của Việt Nam ghi nhận mức tăng kỷ lục.

Bài báo này sẽ chủ yếu đề cập đến thị trường TP.HCM, vì GDP của thành phố này chiếm 20-25% tổng sản lượng kinh tế của cả nước.

Công nghiệp

Ngôi sao của thị trường bất động sản Việt Nam là công nghiệp, vốn đã được hưởng lợi từ sự bùng nổ của ngành sản xuất từ trước đó. Trong những năm gần đây, các công ty như Nike, Adidas và Samsung đã chuyển hoạt động ra khỏi Trung Quốc và vào Việt Nam do chi phí sản xuất ngày càng tăng tại Trung Quốc và chiến tranh thương mại với Mỹ. Dữ liệu thương mại cho thấy tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ tăng 435% từ năm 2010 đến năm 2020. Thị trường cũng đã phản ứng tích cực với nhu cầu sản xuất gia tăng, khi giá thuê bất động sản công nghiệp tại TP.HCM tăng 9,0% vào năm 2019 và sau đó là 10,6% nữa vào năm 2020 theo Cushman & Wakefield.

Nhà ở

Thị trường nhà ở cũng đã chứng kiến ​​sự tăng trưởng chưa từng có trong những năm gần đây. Do người Việt ít có lựa chọn đầu tư khác ngoài nhà ở, nhu cầu sở hữu căn hộ tràn lan đã vượt quá khả năng cung cấp của thị trường, với nhiều dự án mới được bán hết ngay sau khi mở bán.

Theo Cushman & Wakefield, giá căn hộ tại TP.HCM đã tăng đáng kinh ngạc ở mức 90% trong ba năm từ 2017 đến 2020, nếu bao gồm cả năm 2020 là 12,8%. Tuy vậy, nhu cầu từ các nhà đầu tư nước ngoài là một trong những yếu tố thúc đẩy thị trường bởi họ chỉ được phép sở hữu tối đa 30% căn hộ trong một dự án. Phần lớn sự tăng trưởng của thị trường nhà ở đến từ nhu cầu của người dân Việt Nam. Tiến bộ kinh tế cùng với sự mở rộng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu là những động lực thúc đẩy nhu cầu chính của thị trường nhà ở ngày càng lớn, và có ít dấu hiệu cho thấy sự suy giảm trong tương lai gần

Văn phòng

Trên khắp thế giới, thị trường văn phòng đã bị ảnh hưởng khi nhân viên làm việc tại nhà và các công ty tiếp tục cân nhắc các mô hình làm việc linh hoạt mới. Theo Cushman & Wakefield, bất chấp những khó khăn, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã thúc đẩy giá thuê văn phòng của TP.HCM tăng 1,7% vào năm 2020, trong khi các thành phố lân cận như Bangkok, Singapore và Hong Kong đều chứng kiến ​​giá thuê giảm.

Với các doanh nghiệp đến từ các quốc gia và nền văn hóa khác nhau cùng với việc áp dụng mô hình văn phòng mới trong tương lai, Paul Fisher, người đứng đầu của công ty bất động sản JLL tại Việt Nam, tin rằng Việt Nam sẽ tiếp tục ưu tiên sử dụng các không gian văn phòng.

Ông lưu ý rằng “việc thiếu tương tác trực tiếp đã gây áp lực lên các nhóm làm việc và trong khi một số khách hàng của JLL mong đợi áp dụng các phương thức làm việc linh hoạt trong tương lai, thì trong phần lớn trường hợp, văn phòng vẫn là điểm trung tâm cho mọi hoạt động kinh doanh”.

Dù tương lai của văn phòng vẫn chưa chắc chắn trên toàn thế giới, thói quen làm việc ở Việt Nam dường như lại ít thay đổi do thời gian đóng cửa ngắn cũng như cơ sở hạ tầng công nghệ còn hạn chế.

Khách sạn

Giống như phần còn lại của thế giới, năm 2020 đã tàn phá thị trường khách sạn của Việt Nam, với công suất thuê dao động từ 20-30% trong hầu hết thời gian của năm. Mặc dù sự phục hồi dự kiến ​​sẽ diễn ra từ từ, nhưng triển vọng phát triển vẫn mạnh mẽ do ngành du lịch của đất nước đang trong đà tăng trưởng mạnh mẽ ở thời điểm trước đại dịch.

Lượng khách quốc tế tăng từ 3,8 triệu trong năm 2009 lên hơn 18 triệu vào năm 2019, do tiến bộ kinh tế dẫn đến việc gia tăng du lịch công vụ người nước ngoài ngày càng ưa thích các điểm nghỉ dưỡng tại Việt Nam. Chính phủ Việt Nam đang khuyến khích sự tăng trưởng này bằng cách đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng du lịch, như xây dựng sân bay thứ hai ở TP.HCM với tổng vốn đầu tư 4,7 tỷ USD, mở nhà ga quốc tế mới tại Đà Nẵng vào năm 2017. Gần đây, Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội đề nghị thủ đô bắt đầu chuẩn bị xây dựng sân bay thứ hai để đáp ứng nhu cầu đi lại tăng lên trong thập kỷ tới.

Việt Nam được kỳ vọng sẽ là một điểm đến thuận lợi về đầu tư trong tương lai, và sự quan tâm từ các tổ chức đầu tư đã thúc đẩy vốn FDI vào quốc gia này tăng 75% từ năm 2014 đến năm 2019. Tập đoàn KKR & Co. là một trong nhiều tập đoàn muốn đầu tư mạnh mẽ vào Việt Nam. KKR đang tìm cách tăng gấp 3 lần khối tài sản, hiện đạt mức 1 tỷ đô la, trong thập kỷ tới sau khi mua lại cổ phần của Vinhomes JSC, nhà phát triển bất động sản lớn nhất Việt Nam.

Tuy vậy, Việt Nam vẫn là một thị trường có rào cản gia nhập cao với nhiều thách thức và sắc thái khác nhau, gây trở ngại cho những người mới tham gia. Bất chấp những nỗ lực gần đây của chính phủ nhằm số hóa hệ thống thanh toán quốc gia, nhiều giao dịch bất động sản vẫn bằng tiền mặt hoặc vàng miếng. Hơn nữa, chỉ 31% người Việt Nam trưởng thành có tài khoản ngân hàng và hơn 95% các khoản thanh toán được thực hiện bằng tiền mặt hoặc vàng.

Những thực tế này khẳng định rằng Việt Nam vẫn là một thị trường đang phát triển, tuy nhiên điều này không làm nản lòng các nhà đầu tư tin tưởng vào triển vọng dài hạn của đất nước. Với việc chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% vào năm 2021, thị trường bất động sản của Việt Nam đã sẵn sàng để bắt kịp tốc độ của nền kinh tế trong tương lai.
Theo cafeland.

Trả lời